BÀI SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN B | ĐÔI MẮT LÀ CỬA SỔ CỦA TÂM HỒN

25/10/2024
316
 


Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Chúng ta thường nói rằng: “ đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”, Vì tất cả niềm vui, nỗi buồn, khổ đau đều thể hiện qua đôi mắt. Đôi mắt chính là phương tiện giúp chúng ta quan sát và phán đoán thế giới xung quanh. Đi xa hơn nữa, người ta còn nói rằng: “giầu hai con mắt, khó hai bàn tay”.
Có hai người, người Mù và người Què cùng chung sống với nhau trong một nhà. Tuy nhiên họ không thương yêu gì nhau mà còn hay ganh ghét chỉ trích nhau. Người Mù thì bảo người Què là đồ vô dụng, không có chân nên chẳng đi được đâu. Người Què thì mắng lại, bảo người Mù là đồ phế thải, không có mắt thì coi như đồ bỏ đi. Một hôm, nhà bị cháy nhưng hai người không biết làm cách nào để thoát được. Cũng may có anh hàng xóm chạy ngang qua, thấy vậy liền mắng: “Còn chờ đợi gì nữa, ở đó chịu chết à? Sao anh Mù không cõng anh Què, anh Què chỉ lối cho anh Mù đi”. Nghe thế, họ liền dìu nhau thoát khỏi đám cháy. Từ đó, họ sống thân thiết với nhau hơn.

Trình thuật phép lạ người mù được sáng mắt mà thánh Marcô trình bày trong Tin mừng như muốn nói rằng, tuy anh mù Batimê bên vệ đường mù về mặt thể xác, nhưng về mặt tâm linh anh không mù, bởi vì chỉ có anh nhận ra Chúa Giêsu là ai, nên anh mới xin Ngài thương xót : “ Lạy Thầy Giêsu, con vua David, xin thương xót tôi” ( Mc 10,47 ). “ Con vua David”, đó là tước hiệu của Đấng Messia, Đấng Cứu Thế. Xưng tụng Chúa Giêsu là Con Vua David, có nghĩa là công nhận Ngài là Đấng Cứu Thế.

Đang khi anh mù bày tỏ niềm tin của mình như thế, thì những người đang đi trong đám đông, theo Chúa Giêsu, lại cấm cản anh ta. Người ta đã rầy la, lườm nguýt anh. Nhưng càng bị cấm cản, anh ta lại càng kêu to : “Lạy Thầy Giêsu, Con Vua David, xin thương xót tôi” ( Mc 10,48 ).

Tiếng kêu van của anh mù đã đến tai Chúa Giêsu, và Ngài truyền gọi anh ta đến. Nếu trước đây, người ta cấm cản không cho  anh mù lên tiếng kêu xin, thì bây giờ, sau khi biết Chúa đã truyền cho gọi anh mù đến, người ta đã đổi  hẳn thái độ đối với anh ta. Thánh  Marcô ghi lại lời người ta nói với anh mù: “ Cứ yên tâm, đứng dậy đi, Ngài gọi anh đấy” ( Mc 10,49 ).

Qua câu nói này, chúng ta nhận ra được lòng tin của những người đang đi theo Chúa, một cách rõ ràng hơn. Nếu họ không tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, thì làm sao lại nói với anh mù, “ cứ yên tâm” ? Ở đây chúng ta nhận ra được thành quả trước tiên của việc biểu lộ niềm tin vững mạnh của anh mù, đó là làm cho người khác cũng tin như anh.

Do đó, bài học mà chúng ta cần phải học lấy  nơi anh  mù ở đây, trước tiên, chính là sự mạnh dạn biểu lộ niềm tin của mình, cho dù có gặp những ngăn cản, vẫn vững tin tiến bước đến với Chúa. Tiếp đến, chúng ta cần phải học nơi anh mù, đó là cách thức cầu xin của anh. Anh mù ở đây không xin tiền bạc của cải, anh cũng không xin cho anh được sáng mắt ngay từ ban đầu, mà anh chỉ xin là “ hãy thương xót” anh thôi. Lời cầu xin này hàm chứa một tinh thần tin tưởng phó thác hoàn toàn của anh mù. Anh đã không lên kế hoạch cho Chúa để xin Ngài thi hành kế hoạch đó, mà anh đã giao phó việc đáp trả lời kêu xin của anh, cho sự quan phòng khôn ngoan của Chúa. Mãi cho đến khi Chúa lên tiếng hỏi anh : “Anh muốn tôi làm gì cho anh” ( Mc 10,51 )?  Lúc đó anh mù mới nói rõ ước vọng của mình: “Lạy Thầy, xin cho tôi được nhìn thấy” ( Mc 10,52 ).Thật là một thái độ khôn ngoan và cũng dễ thương của anh.

Chúa Giêsu đã nói với anh mù: “Đức Tin của con đã cứu con” và thánh Marcô đã kết thúc trình thuật này bằng câu : “Tức khắc anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đương Người đi” ( Mc 10,52 ). Như thế, không những Chúa Giêsu chỉ thương xót anh mù, bằng cách cho anh được sáng con mắt thể xác, mà Ngài còn cho anh được sáng cả về con mắt tâm linh nữa. Chính vì thế mà anh đã đi theo Chúa. Anh mù đã đáp trả ơn gọi sống niềm tin vào Chúa Giêsu, trở thành môn đệ của Chúa, bước theo Chúa trên con đường Ngài đi, con đường của đau khổ và Thập giá. Người mù Batimê bên vệ đường để lại cho chúng ta một bài học đức tin mạnh mẽ: Con người càng đến gần Thiên Chúa bao nhiêu, các giác quan thiêng liêng của họ càng được bộc lộ nhiều bấy nhiêu, họ càng trở nên nhạy cảm hơn trước hành động của Thiên Chúa. Do đó, cần phải mở “các cửa sổ tâm hồn” để nâng đời sống đức tin lên trải nghiệm thiêng liêng, đặc biệt là con mắt đức tin của mỗi người. Đồng thời, mỗi người chúng ta hãy biết khuyến khích người khác đến với Chúa : “ cứ yên tâm, đứng dậy đi, Ngài gọi anh đấy” ( Mc 10,49 ).

 

Lm. Giuse Phan Cảnh